Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

Yến huyết có thật sự tốt hơn yến trắng không?

Tổ yến sào là tên một loại thực phẩm nổi tiếng được tìm thấy trên vách đá, hang động nơi chim yến sinh sống. Tổ yến sào được kết tinh từ nước bọt được tiết ra từ cặp tuyến dưới lưỡi của chim yến. Con người không thể can thiệp vào những hoạt động như ăn uống của Yến. Thức ăn của Yến là các loại côn trùng, Yến không uống nước sông, suối mà uống hơi sương nên bọt của Yến rất có giá trị và tinh khiết.

Yến huyết có thật sự tốt hơn yến trắng không?

Thành phần dinh dưỡng không khác nhau là mấy

Chị Nguyễn Thị Ngọc Bình, một đại lý tổ yến sào lâu năm ở Lê Văn Lương, Hà Nội cho biết, tổ yến sào chia làm 3 loại chính: huyết yến (yến huyết), hồng yến (yến hồng) và bạch yến (yến trắng) căn cứ vào màu sắc của tổ yến sào.
Huyết yến là loại tổ yến sào có màu đỏ tươi, được bán với giá cao nhất trong số các màu vì số lượng rất ít. Đứng thứ hai là hồng yến, thường có màu cam nhưng màu sắc có thể thay đổi từ màu vỏ quýt đến màu vàng lòng đỏ trứng gà, màu càng đậm thì giá càng cao.
Thông dụng nhất là bạch yến, chiếm 90% sản lượng trên thị trường thế giới, mỗi năm thu hoạch 3 – 4 lần nên giá cả phải chăng.
Thầy thuốc ưu tú (TTƯT) Lê Hữu Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Viện Y học Cổ truyền T.Ư cho hay, đến nay, nguyên nhân tại sao tổ yến sào có màu khác nhau vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Dân gian thì cho rằng những con chim yến già hoặc chim yến trong mùa thức ăn hiếm hoi vẫn miệt mài làm tổ trong lúc kiệt sức, máu từ mép rỉ ra quyện vào nước dãi để xây tổ khiến cho tổ có màu sắc đỏ hồng.
Cũng có nhiều giả thuyết cho rằng tác động của nhiệt độ, độ ẩm hoặc thức ăn của yến tạo ra. Trong khi đó, ý kiến của một số nhà khoa hoạc lại cho rằng nếu con chim yến làm tổ trên các vách đá có màu đỏ và thấm nước rỉ ra từ các khe đá (chứa nhiều oxit sắt) thì tổ của nó sẽ có màu đỏ hoặc hồng, cam…
TTƯT Lê Hữu Tuấn cũng cho biết, tổ yến sào nói chung rất giàu chất khoáng (kể cả khoáng vi lượng), glucosamin thiên nhiên (là yếu tố cần thiết tạo nên sụn khớp) và hoàn toàn không chứa chất béo, nên rất bổ dưỡng, dễ tiêu hoá hấp thụ.
Theo nghiên cứu dinh dưỡng tại Việt Nam, thành phần chất đạm trong tổ yến sào khá cao: yến huyết Đà Nẵng (54,4%), yến huyết Nha Trang (56,9%), yến trắng Nha Trang (53,8 %), yến trắng Đà Nẵng (55%), yến trắng Quy Nhơn (54,4%), yến trắng Singapore (56,3%). Như vậy có thể thấy không có sự khác biệt lắm giữa yến huyết và yến trắng về thành phần đạm.
Nghiên cứu chi tiết cũng cho thấy tổ yến sào không chứa các protein và axit alginic của rong tảo. Điều này chứng minh tổ yến sào làm bằng nước miếng chim yến chứ không phải rong tảo. Tổ yến sào cũng không chứa hồng cầu và các phức chất của huyết mà chứa rất nhiều sắt.
Yến huyết vì vậy không phải do máu chim yến mà do thành phần sắt có thể ở sườn núi tạo nên. Như vậy, việc giá cả của huyết yến đắt hơn nhiều lần so với yến trắng chỉ là do nó hiếm có mà thôi.

Yến huyết có thể bị làm giả

Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Bình, ở Việt Nam hiện có khá công ty, đơn vị và tư nhân bán yến. Mặc dù chưa thực sự chứng minh được giá trị vượt trội của huyết yến so với bạch yến nhưng vì sự đắt đỏ của nó, thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại huyết yến bị làm giả để trục lợi, đánh lừa người tiêu dùng.
Cơ quan chức năng Trung Quốc đã công bố phát hiện lượng nitrite vượt ngưỡng cho phép, có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng trên một số sản phẩm yến huyết nhập khẩu vào nước này.
Malaysia cũng thừa nhận, một số cơ sở chăn nuôi yến nước này đã cố tình thêm hóa chất nitrite để tạo ra nhiều huyết yến, nhằm hút khách và kiếm lời.

Yến huyết có thật sự tốt hơn yến trắng không? 1
Tại Việt Nam, nhiều năm nay đã xuất hiện yến huyết là yến trắng nhuộm màu. Do vậy, khi mua yến, phải mua các công ty có danh tiếng, uy tín.
Với kinh nghiệm lâu năm, chị Bình cho biết, có thể phân biệt yến thật giả bằng chưng cách thủy.  Yến giả gặp nước sẽ nở ngay sau 2 – 3 phút, sôi sẽ nát và tan ra nước. Yến thật chưng cách thuỷ từ 20 – 30p sôi rất ít bọt, khi chín, sợi yến nở đều, đặc. Sợi yến thật mềm nhưng vẫn giữ được độ dài.
Đưa lên mũi ngửi có thoang thoảng mùi tanh giống lòng trắng trứng gà. Mùi tanh này chỉ có trong khoảng thời gian sau chế biến yến – khi món ăn còn nóng. Nếu món ăn đã nguội thì mùi này cũng giảm từ từ và mất đi. Hâm nóng lại món ăn, mùi tanh nhẹ này lại xuất hiện. Còn yến giả khi đun có mùi carbonat natri rất hắc. Khi sôi có nhiều bọt, để qua đêm có màu vàng, hôi như bị thiu.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét